UBND HUYỆN ĐỨC THỌ

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI SÁNG TÁC BIỂU TRƯNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

               Số: 03 /TL - BTC                                             Đức Thọ, ngày 18  tháng 3 năm 2022

 

THỂ LỆ

Cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Đức Thọ”

 

 

Thực hiện Kế hoạch số 514 /KH-UBND, ngày 15/3/2022 của Ủy ban nhân dân huyện về việc tổ chức Cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (logo) huyện Đức Thọ”, Ban Tổ chức ban hành Thể lệ cuộc thi như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Đức Thọ” nhằm mục đích chọn mẫu biểu trưng thể hiện nét đặc trưng tiêu biểu trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện Đức Thọ.

- Biểu trưng được chọn sẽ sử dụng cho công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quảng bá du lịch, kêu gọi thu hút đầu tư  huyện Đức Thọ; sử dụng in ấn trên các tạp chí, sách báo, tập san, các tặng phẩm của huyện và việc giao dịch trong và ngoài huyện.

- Góp phần giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống con người Đức Thọ.

- Chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2022) và kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình Nguyên tiến sỹ Phan Đình Phùng (06/6/1847- 06/6/2022).

2. Yêu cầu

- Biểu trưng phải mang tính khái quát cao, thể hiện nét đặc trưng bản sắc văn hóa, lịch sử, truyền thống, con người, kinh tế, xã hội quê hương Đức Thọ.

- Biểu trưng biểu hiện dưới dạng bản vẽ đồ họa, phù điêu đảm bảo tính thẩm mỹ, khoa học, bản sắc văn hoá dân tộc và tính hiện đại, đồng thời đảm bảo được tính trường tồn theo thời gian, dễ dàng nhận biết không giống với những biểu trưng đã có.

- Không phức tạp về đường nét và màu sắc đảm bảo thuận lợi cho việc in ấn, phóng to, thu nhỏ, đắp nổi nhằm sử dụng được trên các văn bản, các công trình kiến trúc.

- Cuộc thi đảm bảo nghiêm túc, chất lượng và khách quan, trung thực, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân.

II. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA CUỘC THI

1. Tất cả công dân Việt Nam trên toàn quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, không phân biệt lứa tuổi, các tổ chức, nhóm tác giả đều có thể tham gia Cuộc thi (trường hợp dưới 18 tuổi phải có người giám hộ hợp pháp làm đại diện đủ năng lực, hành vi dân sự trước pháp luật).

2. Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo không được tham gia dự thi.

III. QUY ĐỊNH VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM DỰ THI

1. Quy định về tác phẩm dự thi

1.1. Quy định chung

Tác phẩm tham gia dự thi phải là sáng tác mới của tác giả, nhóm tác giả, không sao chép ý tưởng từ các biểu trưng (logo) ở trong và ngoài nước, tác phẩm chưa tham gia cuộc thi nào khác, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào; không vi phạm bản quyền, không vi phạm Luật sở hữu trí tuệ. Mỗi tác giả/nhóm tác giả tham gia gửi dự thi không quá 05 (năm) tác phẩm.

1.2. Nội dung tác phẩm

Biểu trưng thể hiện được khái quát, mang đặc trưng riêng về bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống, đất và người Đức Thọ; không trùng lặp với bất cứ biểu trưng nào khác; thể hiện tính thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng. Thuận tiện khi sao chép, phóng to, thu nhỏ làm biểu trưng, phù hiệu trong việc tuyên truyền, quảng bá, đảm bảo độ phân giải đồng đều, sắc nét khi sử dụng và sử dụng lâu dài, thể hiện được trên các vật phẩm có các chất liệu và hình thức khác nhau.

1.3. Hình thức thể hiện

Tác phẩm dự thi thể hiện bằng hình thức đồ họa (vi tính hoặc vẽ tay) trên 01(một) trang giấy dày, cứng, khổ A4 (21cm x 27,9 cm), thể hiện không quá 3 (ba) màu sắc (kể cả màu trắng), đảm bảo khi in đơn sắc và thu nhỏ không làm mất chi tiết. Trình bày 01(một) mẫu lớn nằm chính giữa đúng kích thước chiều ngang 15 cm. Phía dưới mẫu lớn, góc bên phải tác phẩm in thêm 01 (một) mẫu đen trắng nhỏ kích thước 3cm x 4cm. Tác phẩm dự thi không được ký tên, không được sử dụng bất cứ ký hiệu nào khác và phải đóng gói, niêm phong, có mã số tự chọn ghi mặt ngoài phong bì trùng khớp với mã số ghi trên mẫu tác phẩm dự thi. Bên trong phong bì ghi đầy đủ họ và tên, địa chỉ, số điện thoại người dự thi.

1.4. Bản thuyết minh

Mỗi tác phẩm dự thi kèm theo một bản thuyết minh không quá 400 từ (đánh máy trên khổ giấy A4, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14) về ý tưởng sáng tác, ý nghĩa tác phẩm, phương pháp và chất liệu thể hiện. Trên bản thuyết minh ghi rõ mã số giống như mã số đã ghi ở mặt sau tác phẩm dự thi và có Logo đen trắng, kích thước mỗi chiều không quá 4cm.

2. Hồ sơ dự thi

- Phiếu dự thi: Mỗi tác giả/nhóm tác giả dự thi đều phải có một phiếu dự thi, nội dung phiếu ghi đầy đủ các thông tin: Họ tên tác giả; ngày tháng năm sinh; quê quán, thường trú; số CMND/CCCD, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email, chữ ký của tác giả và mã số dự thi giống như mã số đã ghi ở tác phẩm dự thi (theo mẫu đính kèm).

- Mẫu thiết kế logo được in màu trên giấy A4 (03 bản) kèm 01 CD hoặc USB có chứa file gốc thiết kế logo.

- Bản thuyết minh ý tưởng.

- Văn bản ủy quyền cho 01 cá nhân đứng ra đại diện (nếu là nhóm tác giả).

Lưu ý: Tác phẩm gửi dự thi không gấp, không cuộn tròn, không ép plastic. Tất các các tài liệu quy định trên đựng trong phong bì lớn dán kín, bên ngoài ghi rõ: Tác phẩm dự thi sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Đức Thọ.

3. Thời gian, hình thức gửi và địa chỉ nhận tác phẩm dự thi

3.1. Thời gian nhận: Kể từ ngày ra thông báo đến hết ngày 20/4/2022. Đối với các tác phẩm gửi qua đường Bưu điện, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ lấy ngày ghi đến trên dấu bưu điện là ngày nộp tác phẩm.

3.2. Hình thức gửi tác phẩm dự thi: Tác giả gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện đến Ban Tổ chức cuộc thi.

3.3. Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Thọ, số 72 - Đường Yên Trung, Thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. (Điện thoại liên hệ BTC: Bà Mai Thị Ngọc Hà, thành viên: 0918.300.636, Nguyễn Thị Hiền, Thư ký: 0983.600.867. Hộp thư điện tử: vhtt.dt@hatinh.gov.vn hoặc hienthuan221109@gmail.com)

Lưu ý: Ban Tổ chức sẽ cho đăng một số tư liệu, bài viết, hình ảnh, videoclip trên Cổng thông tin điện tử huyện, địa chỉ: ductho.hatinh.gov.vn để các tác giả tham khảo về điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế, văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương phục vụ sáng tác.

4. Quy định về tác giả

Tác giả dự thi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt pháp lý và sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm của mình. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp quyền tác giả và các quyền khác liên quan đến tác phẩm dự thi.

Trong quá trình tham gia Cuộc thi, tác giả không được sử dụng tác phẩm đã gửi tham dự để tham dự bất kỳ cuộc thi nào khác hoặc đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tác giả của mẫu thiết kế được chọn làm biểu trưng (logo) huyện Đức Thọ có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung các chi tiết cần thiết đối với tác phẩm được chọn cho phù hợp theo yêu cầu và nộp bổ sung file gốc (dữ liệu số) cho Ban Tổ chức.

Tác giả đã nộp hồ sơ tham dự nếu muốn rút hồ sơ phải có văn bản thông báo đến Ban Tổ chức trước thời hạn kết thúc nộp hồ sơ.

5. Quy định về tác phẩm được chọn làm biểu trưng (logo) huyện Đức Thọ

Bản quyền tác phẩm đạt giải thuộc về UBND huyện Đức Thọ. UBND huyện Đức Thọ được toàn quyền sử dụng tác phẩm được chọn dưới mọi hình thức và không giới hạn thời gian. Trường hợp tác phẩm đạt giải vi phạm bản quyền, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tất cả các tác phẩm tham gia Cuộc thi đạt giải hay không đạt giải, Ban Tổ chức sẽ không hoàn trả lại hồ sơ cho tác giả.

IV. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân huyện, Ban Tổ chức cuộc thi thành lập Hội đồng giám khảo. Hội đồng Giám khảo làm việc theo chế độ tập thể.

2. Hội đồng giám khảo, Hội đồng thẩm định tiến hành đánh giá, thẩm định chọn tác phẩm dự thi qua 02 vòng:

- Vòng sơ khảo: Chọn  tối đa 30 tác phẩm vào vòng chung khảo.

- Vòng chung khảo: Chọn  tối đa 05 tác phẩm để lấy ý kiến và quyết định trao 01 giải nhất, 04 giải khuyến khích.

3. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức đăng tác phẩm biểu trưng (logo) kèm theo bản thuyết minh của tác giả trên Cổng thông tin điện tử huyện Đức Thọ (thời gian đăng tải 10 ngày) để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, mọi ý kiến đóng góp gửi về Ban tổ chức qua hộp thư điện tử ở trên;

4. Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ cốt cán toàn huyện để đóng góp các tác phẩm của Ban tổ chức đề xuất  (Tùy tình hình sẽ quyết định thành phần, hình thức lấy ý kiến phù hợp).

5. Tổ chức họp Hội đồng thẩm định để thống nhất và bỏ phiếu kín chọn 01 tác phẩm tốt nhất làm biểu trưng (logo) huyện Đức Thọ.  

V. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG VÀ HỖ TRỢ NHUẬN BÚT

1. Hỗ trợ nhuận bút:

Các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo được Ban tổ chức hỗ trợ tiền nhuận bút 1.000.000đ (Một triệu đồng) (trừ 05 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm lọt vào vòng chọn giải nhất và giải khuyến khích).

2. Giải thưởng:

- Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận cho các tác giả, đơn vị, nhóm tác giả đạt giải và tiền thưởng như sau:

- 01(một) giải nhất: 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng).

- 04 (bốn) giải khuyến khích: Mỗi giải 5.000.000đ (Năm triệu đồng).

VI. CHẤM TÁC PHẨM, CÔNG BỐ VÀ TRAO GIẢI THƯỞNG

1. Thời gian chấm tác phẩm:

- Chấm sơ khảo: Từ 21/4 đến 30/4/2022.

- Lấy ý kiến mẫu được chọn qua vòng sơ khảo: Từ 30/4 đến 13/5/2022.

- Chấm chung khảo: Từ 13/5 đến 16/5/2022

2. Công bố và trao giải thưởng:

- Kết quả Cuộc thi được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và công bố tại hội nghị ngay sau khi có kết quả tuyển chọn;

- Đăng ký bản quyền tác phẩm theo quy định;

- Lễ tổng kết và trao giải: Dịp 19/5/2022 (Ban Tổ chức sẽ thông báo sau).

Để Cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (Logo) của huyện Đức Thọ” đạt kết quả tốt, Ban Tổ chức cuộc thi rất mong được sự hưởng ứng tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, sự phối hợp của các đơn vị liên quan./.

 

Nơi nhận:

- Sở VHTTDL, Hội VHNT tỉnh;
- Sở VHTTDL, Hội VHNT các tỉnh, thành phố;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh;
- Th. trực Huyện ủy, HĐND, UBMTTQ huyện;

- Chủ tịch, các PCT UBND huyện;

- Các phòng, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, trường học;
- Ban Tổ chức Cuộc thi;
- UBND các xã, thị trấn;

- BBT Cổng thông tin điện tử Đức Thọ;

- Lưu: VT, BTC.

TRƯỞNG BAN

 

 

 

 

 

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN

Hoàng Xuân Hùng

 

                                      MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ DỰ THI

(Ban hành kèm theo Thể lệ Cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (logo) huyện Đức Thọ”

do UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức)

 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

PHIẾU ĐĂNG KÝ DỰ THI

SÁNG TÁC BIỂU TRƯNG (LOGO) HUYỆN ĐỨC THỌ

          Kính gửi: Hội đổng tuyển chọn biểu trưng (Logo) huyện Đức Thọ.

 

1. Tên cá nhân/tổ chức đăng ký dự thi: .............................................................

........................................................................................................................

2. Địa chỉ liên hệ:..............................................................................................

........................................................................................................................

3. Phương tiện liên lạc:

- Điện thoại cố định:..........................................................................................

- Điện thoại di động:.................................... Fax:..............................................

- Email:............................................................................................................

4. Thông tin bổ sung:

- Nếu là cá nhân:

+ Ngày sinh:.....................................................................................................

+ Số CMND/CCCD:………................ Ngày cấp:…. ............. tại:........................

- Nếu là tổ chức:

+ Họ và tên người đại diện : .............................................................................

+ Chức vụ :.......................................................................................................                         

5. Số lượng mẫu biểu trưng (Logo) kèm bản mô tả ý tưởng dự thi:   ..................

6. Cam kết tuân thủ Thể lệ cuộc thi:

Sau khi nghiên cứu kỹ Thể lệ cuộc thi, tôi/chúng tôi tự nguyện đăng ký tham gia cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) và cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã được quy định trong Thể lệ cuộc thi do Ban Tổ chức - UBND huyện Đức Thọ ban hành.

Tôi/Chúng tôi cam đoan mẫu/các mẫu biểu trưng (Logo) này là do tôi/chúng tôi tự sáng tác, không sao chép dưới bất kỳ hình thức nào, chưa từng công bố, sử dụng và  chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

..................., ngày … tháng......năm 2022

Người dự thi

(ký, đóng dấu (nếu có) và ghi rõ họ tên)

 

                      

 

            KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH HUYỆN ĐỨC THỌ, TỈNH HÀ TĨNH

 

Đức Thọ là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Với bao tên làng, tên người đã đi vào lịch sử và thi ca, nhạc họa. Bến Tam Soa, nơi hợp lưu của 2 con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, tạo nên con Sông La xanh trong thơ mộng dài hơn 10 km, có con Đê La Giang ranh giới các xã vùng ngoài đê và trong đê  với chiều dài 15 km. Bao con người sinh ra từ mảnh đất này đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu để xây dựng nên quê hương Trần Phú, để cho Đức Thọ đi vào tâm thức của muôn người trên vạn nẻo non sông.

Đức Thọ là một huyện trung du nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Phía Bắc giáp huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An; Phía Đông giáp Thị xã Hồng Lĩnh; Phía Nam giáp huyện Can Lộc, Vũ Quang; Phía Tây giáp huyện Hương Sơn. Với diện tích tự nhiên trên 20.200 ha, dân số 101.600 người. Trải qua nhiều lần phân hợp, đến nay toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn.

Đức Thọ là huyện có vị trí địa lý tự nhiên khá thuận lợi, hệ thống kênh mương sông ngòi thuận lợi cho việc tưới tiêu phát triển kinh tế và giao thông . Có đường sắt Bắc - Nam đi qua với chiều dài 15km, có 2 ga, trong đó ga Yên Trung là ga chính của tỉnh Hà Tĩnh, có 3 tuyến đường Quốc lộ (QL8 dài 16km, QL15 14,5km, QL281 dài 19,5km), 2 tuyến đường tỉnh lộ (ĐT 552 dài 8km, ĐT 554 dài 14km). Dựa vào điều kiện tự nhiện, vị trí đia lý, đai đai, thổ nhưỡng. Đức Thọ được chia thành 3 vùng rõ rệt: đó là núi đồi và bán sơn địa (Thượng Đức) gồm 5 xã; vùng đất phù sa (Ngoài đê) gồm 4 xã và vùng lúa (Trong đê) gồm 7 xã. Nhìn chung, địa hình huyện tương đối thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế toàn diện. Nền địa chất khá ổn định, không sụt lún là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các công trình đô thị, các nhà máy xí nghiệp và tổ chức không gian sản xuất các ngành kinh tế.

Nhân dân Đức Thọ vốn giàu lòng yêu nước, cần cù, chịu khó. Thời kỳ nào cũng sản sinh ra những người tài giỏi, đức độ phụng sự đất nước, quê hương; tiêu biểu những người con người yêu nước đã đi vào lịch sử của dân tộc như: Nguyễn Biểu, Lê Ninh, Lê Văn Huân, Phan Đình Phùng, Trần Phú…. Là vùng đất có truyền thống hiếu học, đỗ đạt (theo thống kê có 41 vị đỗ Đại khoa thời phong kiến, hơn 410 vị là giáo sư, tiến sỹ thời hiện đại, 41 vị là sĩ quan cấp Tướng trong Lực lượng vũ trang nhân dân), với nhà khoa học nổi tiếng như: Lê Bôi, Bùi Dương Lịch, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Phách.... có những làng nổi tiếng về những người đậu đạt cao như: “làng Khoa bảng” Đông Thái (70 vị Giáo sư, tiến sĩ), “làng Tiến sĩ” Trung Lễ (55 vị Giáo sư, tiến sĩ), Yên Hồ (39 vị Giáo sư, tiến sĩ), Bùi xá (24 vị Giáo sư, tiến sĩ), Trường Sơn vị (31 Giáo sư, tiến sĩ) , “làng Linh mục” Thọ Ninh (gần 90 linh mục)... Gắn liền với các làng  học là các dòng họ học tập và khoa bảng nổi tiếng như dòng họ Phan Đình, Phan Tùng Mai, họ Bùi (Tùng Ảnh), họ Hoàng, họ Đào (Yên Hồ), họ Lê (Trung Lễ)….Trên địa bàn huyện có hơn 140 di tích đủ các thể loại văn hóa, danh nhân, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, trong đó 78 di tích đã được xếp hạng (15 di tích cấp Quốc gia và 63 di tích cấp tỉnh), 14 lễ hội truyền thống; 02 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: di tích Khu mộ và nhà lưu niệm đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Nhà thờ và mộ Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, Đền thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu, Đền cả Tổng Du Đồng, Đền Thái Yên, Chùa Am... là một phần giá trị văn hóa lịch sử quê hương Đức Thọ.

Thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy được thế mạnh truyền thống văn hóa, Đức Thọ xây dựng nông thôn mới từ nền tảng, giá trị văn hóa của chính mình. Tạo tinh thần, ý chí, đoàn kết sức mạnh của toàn dân và hệ thống chính trị vào cuộc. Đến nay huyện Đức Thọ có 15/15 xã đạt  chuẩn xã nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, 5 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; Thị trấn Đức Thọ cơ bản đạt chuẩn Đô thị văn minh;  91/147 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có 24 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; huyện Đức Thọ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM năm 2020, hiện đang trong lộ trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trước năm 2025.  

Làng quê Đức Thọ đổi sắc thay da từng ngày, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, an ninh, tật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Cuối năm 2021, hộ nghèo chỉ còn 2,32%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 19 %; Công nghiệp - Xây dựng 39 %; Thương mại - DV 42%. Huyện có các khu công nghiệp: Khu công nghiệp Thái Yên (Làng nghề mộc truyền thống Thái Yên), Khu công nghiệp huyện (Nhà máy may công nghiệp Hàn quốc, nhà máy bao bì Sông La xanh, nhà máy bê tông Viết Hải), Dự án khu nhà ở liền kề Yên Trung. Làng nghề: nghề mộc truyền thống Thái Yên; Làng Hến sông La, đóng Thuyền Trường xuân (Trường Sơn)…

Tiềm năng du lịch Đức Thọ phong phú và đa dạng, có nhiều phong cảnh đẹp, có nhiều di tích lịch sử văn hoá lâu đời, giữ vai trò chính trong việc thu hút khách đến du lịch và tham quan. hiện trên địa bàn huyện có 94 di tích, trong đó có 14 di tích được xếp hạng, tiêu biểu như di tích văn hoá Nguyễn Biểu, mộ Phan Đình Phùng, nhóm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật gồm các đình, chùa, đền, miếu, tiêu biểu là chùa Am, Phượng Thành. Nhóm di tích cách mạng tiêu biểu như khu mộ và nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú, các nhóm di tích kết hợp với môi trường sinh thái thiên nhiên hiện có của huyện sẽ tạo thành một tour du lịch tâm linh - sinh thái từ Thị trấn Đức Thọ đến chùa Am, Phượng Thành - khu mộ Phan Đình Phùng, khu lưu niệm và khu mộ Trần Phú trở về bến Tam Soa, rồi xuôi dọc sông La. Tour du lịch tâm linh sinh thái này hiện đang được khảo sát, quy hoạch, để lập dự án khả thi. Tiềm năng du lịch tự nhiên kết hợp với du lịch nhân văn sẽ tạo ra một nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tới, trong mối quan hệ liên doanh, liên kết với các trung tâm du lịch lớn của vùng và của tỉnh./.

 

                                                                                                 

 

Tệp đính kèm

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 139.846
    Online: 13