THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

(Ban hành kèm theo Công văn số: 07/HĐPBGPL ngày 29  tháng 6 năm 2022)

 

I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1. Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 uy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, quy định mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

- Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng);

- Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng);

- Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);

- Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).

(Mức tăng trên là so với quy định hiện hành tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP )
          Đồng thời, quy định mới bổ sung mức lương tối thiểu giờ theo vùng như sau: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ; Việc áp dụng địa bàn vùng còn được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP .

          Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

2. Nghị định 20/2022/NĐ-CP  ngày 1/3/2022 sửa đổi một số điều của Nghị định 119/2015/NĐ-CP  ngày 13/11/2015 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đó, bổ sung quy định về số tiền bảo hiểm tối thiểu (BHTT) đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba như sau:

- Số tiền BHTT đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là một trăm (100) triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.

- Số tiền BHTT đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:

+ Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 (một nghìn) tỷ đồng: là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

+ Đối với công trình có giá trị từ 1.000 (một nghìn) tỷ đồng trở lên: là 100 (một trăm) tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

Các hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, HĐBH trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba đã giao kết trước ngày 01/07/2022:

- Được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết HĐBH;

- Trường hợp sửa đổi, bổ sung HĐBH có nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định 20/2022/NĐ-CP ngày 1/3/2022  có hiệu lực từ ngày 1/7/2022

3. Nghị định 123/2020/NĐ-CP  ngày 19/10/2020 nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ.

Theo đó, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ quy định như sau:
- Đối với công chức thuế:

+ Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;

+ Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;

+ Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

- Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan:

+ Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

+ Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;

          + Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;

+ Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Nghị định 123/2020/NĐ-CP  ngày 19/10/2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2022

4. Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Về tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử: Theo đó, tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể về chủ thể, nhân sự, kỹ thuật, đơn cử như:

          - Về chủ thể phải là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam; thông tin về dịch vụ HĐĐT được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;

- Về nhân sự phải có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;

          - Về kỹ thuật phải có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu như:

+ Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về HĐĐT và pháp luật khác có liên quan;

+ Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu HĐĐT;

+ Có tài liệu kết quả kiểm thử kỹ thuật thành công về giải pháp truyền nhận dữ liệu HĐĐT với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu HĐĐT.

Thông tư 78/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.

5. Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 Thông tư Ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học mới nhất được ban hành tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT , chính sách ưu tiên theo khu vực được quy định như sau:

- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) = 0,75 điểm.

- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) =  0,5 điểm.

- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 2 (KV2) = 0,25 điểm.

- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 3 (KV3) = 0 điểm.

Tuy nhiên, điểm d Điều 7 Quy chế này cũng nêu rõ, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Nói cách khác, thí sinh thi đại học từ năm 2023 chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực trong tối đa 02 năm là năm tốt nghiệp cấp 3 và năm kế tiếp.

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/7/2022

6. Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022, hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, người lao động tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ như sau:

- Người dân tộc thiểu số, người Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài:

+ Đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề.

+ Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ: Tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.

+ Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày.

+ Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng.

+ Hỗ trợ tiền quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...: 600.000 đồng/người.

+ Chi phí làm hộ chiếu, làm phiếu lý lịch tư pháp, làm thị thực, khám sức khỏe…

- Người dân tộc Kinh thuộc hộ cận nghèo đang sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ:

+ Tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề.

+ Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo.

Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 7 năm 2022

7. Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Kế toán, thuế, hải quan, dự trữ

Theo đó, Thông tư mới đã không còn yêu cầu các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong phần tiêu chuẩn trình độ đào tạo của các ngạch công chức chuyên ngành thuế, kế toán, hải quản mà thay vào đó, nếu vị trí việc làm yêu cầu thì các ngạch công chức này để phải sử dụng thành thạo.

Ngoài ra, vẫn như Thông tư 77/2019/TT-BTC trước đây, công chức thuế, hải quan, kế toán được xếp lương như sau:

- Công chức ngạch kiểm tra viên cao cấp thuế, kiểm tra viên cao cấp hải quan: Có hệ số 6,2 - 8,0; ngạch kế toán viên cao cấp có hệ số lương từ 5,75 - 7,55.

- Công chức ngạch kiểm tra viên chính thuế, kiểm tra viên chính hải quan: Có hệ số lương từ 4,4 - 6,78; ngạch kế toán viên chính có hệ số lương từ 4,0 - 6,38.

- Ngạch kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan: Có hệ số lương từ 2,34 - 4,98.

- Ngạch kế toán viên trung cấp, kiểm tra viên trung cấp thuế, kiểm tra viên trung cấp hải quan: Có hệ số lương từ 2,1 - 4,89.

- Ngạch nhân viên hải quan, nhân viên thuế: Có hệ số lương từ 1,86 - 4,06.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/7/2022.

II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH:

1. Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 10/6/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quyết định ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trên đây là một số văn bản pháp luật mới, Hội đồng PBGDPL huyện gửi các Đồng chí cán bộ, đảng viên tiếp cận để  phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyền các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 140.944
    Online: 3