THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Công văn số: 10/HĐPBGPL ngày 30 tháng 9 năm 2022)
I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bao gồm: xác định hệ thống thông tin và thuyết minh cấp độ an toàn hệ thống thông tin; yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; chế độ báo cáo.
Đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được Thông tư quy định như sau:
Việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ thực hiện theo yêu cầu cơ bản quy định tại Thông tư này và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11930:2017 về Công nghệ thông tin - các kỹ thuật an toàn - yêu cầu cơ bản về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Yêu cầu cơ bản đối với từng cấp độ quy định tại Thông tư này là các yêu cầu tối thiểu để bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, bao gồm yêu cầu cơ bản về quản lý, yêu cầu cơ bản về kỹ thuật và không bao gồm các yêu cầu bảo đảm an toàn vật lý.
Yêu cầu cơ bản về quản lý, bao gồm: a) Thiết lập chính sách an toàn thông tin; b) Tổ chức bảo đảm an toàn thông tin; c) Bảo đảm nguồn nhân lực; d) Quản lý thiết kế, xây dựng hệ thống; đ) Quản lý vận hành hệ thống; e) Phương án Quản lý rủi ro an toàn thông tin; g) Phương án Kết thúc vận hành, khai thác, thanh lý, hủy bỏ hệ thống thông tin.
Yêu cầu cơ bản về kỹ thuật, bao gồm:a) Bảo đảm an toàn mạng; b) Bảo đảm an toàn máy chủ; c) Bảo đảm an toàn ứng dụng; d) Bảo đảm an toàn dữ liệu.
Việc xây dựng phương án bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu cơ bản theo từng cấp độ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 85/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau: a) Đối với hệ thống thông tin cấp độ 1, 2, 3: Phương án bảo đảm an toàn thông tin phải xem xét khả năng dùng chung giữa các hệ thống thông tin đối với các giải pháp bảo vệ, chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư thừa, trùng lặp, lãng phí; b) Đối với hệ thống thông tin cấp độ 4, 5: Phương án bảo đảm an toàn thông tin cần được thiết kế bảo đảm tính sẵn sàng, phân tách và hạn chế ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống khi một thành phần trong hệ thống hoặc có liên quan tới hệ thống bị mất an toàn thông tin.
Hệ thống thông tin khi được đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp phải triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin đã được phê duyệt tại Hồ sơ đề xuất cấp độ và đáp ứng các yêu cầu an toàn tại Điều 9 và Điều 10 Thông tư này trước khi đưa vào vận hành, khai thác.
Quy chế bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cho hệ thống phải được xây dựng, đáp ứng các yêu cầu an toàn về quản lý theo cấp độ an toàn hệ thống thông tin tương ứng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành trước khi Hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt.
Yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin đối với phần mềm nội bộ khi xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp: a) Phần mềm nội bộ được xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp phải tuân thủ Khung phát triển phần mềm an toàn; b) Đáp ứng yêu cầu an toàn cơ bản đối với Phần mềm nội bộ.
Trường hợp hệ thống thông tin cấp độ 3 được triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu hoặc Điện toán đám mây, thiết kế hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu sau: a) Phải được thiết kế tách riêng, độc lập với các hệ thống khác về lô-gic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các hệ thống; b) Các vùng mạng trong hệ thống phải được thiết kế tách riêng, độc lập với nhau về lô-gic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các vùng mạng; c) Có phân vùng lưu trữ được phân tách độc lập về lô-gic.
Trường hợp hệ thống thông tin cấp độ 4 hoặc cấp độ 5 được triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu hoặc Điện toán đám mây, thiết kế hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu sau: a) Phải được thiết kế tách riêng, độc lập với các hệ thống khác về vật lý và có biện pháp quản lý truy cập giữa các hệ thống; b) Các vùng mạng trong hệ thống phải được thiết kế tách riêng, độc lập với nhau về lô-gic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các vùng mạng; c) Có phân vùng lưu trữ được phân tách độc lập về vật lý; d) Các thiết bị mạng chính phải được phân tách độc lập về vật lý.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định: đối với các hệ thống thông tin đang vận hành, khai thác, đã được phê duyệt cấp độ từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực: Chủ quản hệ thống thông tin tiến hành rà soát Hồ sơ đề xuất cấp độ và Phương án đảm bảo an toàn thông tin đã được phê duyệt. Việc rà soát, điều chỉnh, phê duyệt lại Hồ sơ đề xuất cấp độ và Phương án bảo đảm an toàn thông tin (nếu cần) phải hoàn thành trước tháng 6 năm 2023.
Đối với các hệ thống thông tin đang vận hành, khai thác nhưng chưa được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ: thực hiện xây dựng, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo phương án được phê duyệt trong Hồ sơ đề xuất cấp độ đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và đồng bộ với quy định tại Thông tư này, bảo đảm khi Thông tư này có hiệu lực, không phải thực hiện lại quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.
2. Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng.
Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau đây tại Việt Nam (hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định):
- Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;
- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu;
- Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.
Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2022
3. Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
Trong đó quy định mã số các ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như sau:
- Các ngạch công chức chuyên ngành kiểm dịch động vật
+ Kiểm dịch viên chính động vật (Mã số: 09.315)
+ Kiểm dịch viên động vật (Mã số: 09.316)
+ Kỹ thuật viên kiểm dịch động vật (Mã số: 09.317)
- Các ngạch công chức chuyên ngành kiểm dịch thực vật
+ Kiểm dịch viên chính thực vật (Mã số: 09.318)
+ Kiểm dịch viên thực vật (Mã số: 09.319)
+ Kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật (Mã số: 09.320)
- Các ngạch công chức chuyên ngành kiểm soát đê điều
+ Kiểm soát viên chính đê điều (Mã số: 11.081)
+ Kiểm soát viên đê điều (Mã số: 11.082)
+ Kiểm soát viên trung cấp đê điều (Mã số: 11.083)
- Các ngạch công chức chuyên ngành kiểm lâm
+ Kiểm lâm viên chính (Mã số: 10.225)
+ Kiểm lâm viên (Mã số: 10.226)
+ Kiểm lâm viên trung cấp (Mã số: 10.228)
- Các ngạch công chức chuyên ngành kiểm ngư
+ Kiểm ngư viên chính (Mã số: 25.309)
+ Kiểm ngư viên (Mã số: 25.310)
+ Kiểm ngư viên trung cấp (Mã số: 25.311)
- Các ngạch công chức chuyên ngành thuyền viên kiểm ngư
+ Thuyền viên kiểm ngư chính (Mã số: 25.312)
+ Thuyền viên kiểm ngư (Mã số: 25.313)
+ Thuyền viên kiểm ngư trung cấp (Mã số: 25.314)
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 10 năm 2022
4. Thông tư 55/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 238/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 55/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.
Thông tư số 55 quy định biểu giá dịch vụ đăng kiểm xe ô tô các loại được điều chỉnh tăng 10.000 đồng/xe so với hiện nay.
Cụ thể, xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: Mức giá tăng từ 560.000 đồng/xe lên 570.000 đồng/xe.
Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự; rơ moóc, sơ mi rơ moóc: tăng từ 180.000 đồng/xe lên 190.000 đồng/xe.
Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: tăng từ 350.000 đồng/xe lên 360.000 đồng/xe…
Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe), mức giá sẽ là 290.000 đồng/xe thay cho mức 280.000 đồng/xe hiện nay.
Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương, mức giá sẽ là 250.000 đồng/xe thay cho mức 240.000 đồng/xe hiện nay.
Kiểm định thiết bị, xe máy chuyên dùng
Bộ Tài chính cũng quyết định thay đổi giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đối với thiết bị, xe máy chuyên dùng đang lưu hành đối với:
Máy ủi công suất đến 100 mã lực (tăng từ 340.000 đồng/chiếc lên 350.000 đồng/chiếc).
Máy san công suất trên 130 mã lực (tăng từ 530.000 đồng/chiếc lên 540.000 đồng/chiếc).
Xe kéo, máy kéo nông nghiệp, lâm nghiệp tham gia giao thông (tăng từ 390.000 đồng/chiếc lên 400.000 đồng/chiếc)…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 10 năm 2022
5. Nghị định 59/2022/NĐ-CP, ngày 05/9/2022. Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, định danh điện tử là hoạt động đăng ký, đối soát, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể danh tính điện tử. Nghị định cũng quy định cuj thể về đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử, cụ thể:
Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử gồm:
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Sử dụng định danh điện tử
Chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNelD, trang thông tin định danh điện tử.
Tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tạo lập tài khoản để phục vụ cho hoạt động của mình và chịu trách nhiệm xác thực, bảo đảm tính chính xác của tài khoản do mình tạo lập, quyết định mức độ và giá trị sử dụng của từng mức độ tài khoản. Thông tin để tạo lập tài khoản do chủ thể của tài khoản cung cấp hoặc đồng ý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng để tạo lập tài khoản.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 1 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị chứng minh các thông tin của người đó quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này, đối với chủ thể là người nước ngoài có giá trị chứng minh các thông tin của người đó quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của chủ thể danh tính điện tử.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là người nước ngoài có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của người nước ngoài được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là tổ chức do người đại diện theo pháp luật thực hiện hoặc giao cho người được ủy quyền sử dụng. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức có giá trị chứng minh danh tính điện tử của tổ chức khi thực hiện giao dịch có yêu cầu chứng minh thông tin về tổ chức đó; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của tổ chức được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Về danh tính điện tử
Nghị định quy định là thông tin của một cá nhân hoặc một tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm:
Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính.
Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; Vân tay.
Xác thực điện tử
Việc xác thực điện tử được Nghị định quy định như sau:
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thực hiện dịch vụ công được xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử qua cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống định danh và xác thực điện tử; xác thực tài khoản định danh điện tử qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Cá nhân, tổ chức không thuộc quy định trên được xác thực tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử để xác thực tài khoản đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập và còn giá trị sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử. Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử không xác thực thông tin danh tính chủ thể và thông tin khác của chủ thể tài khoản định danh điện tử, trừ trường hợp cần thiết do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Việc thực hiện xác thực tài khoản định danh điện tử theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức không thuộc quy định trên được thực hiện theo thỏa thuận bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử. Việc thực hiện xác thực tài khoản định danh điện tử phải có sự đồng ý của chủ thể danh tính điện tử.
Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử có trong cơ sở dữ liệu do mình quản lý.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2022
6. Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu
Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu là tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bảo đảm phù hợp với khung kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin.
Bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền, mục đích theo quy định của pháp luật. Bảo đảm việc quản lý, vận hành chặt chẽ, an toàn, ổn định và thông suốt.
Những hành vi bị nghiêm cấm
Theo Nghị định, những hành vi bị nghiêm cấm gồm:
Cố ý không cập nhật hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu không đầy đủ. không chính xác; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu;
Truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu;
Khai thác, sử dụng, tiết lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu trái pháp luật hoặc lợi dụng việc cung cấp thông tin để trục lợi;
Phá hủy, phá hoại, làm hư hỏng hoặc hủy hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu.
Thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu
Nghị định nêu rõ, thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu gồm:
Thông tin về tiếp công dân: Họ tên, địa chỉ của công dân; nội dung, kết quả tiếp công dân.
Thông tin về xử lý đơn: Loại đơn như đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; đơn đủ điều kiện xử lý; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết; đơn trả lại và hướng dẫn gửi đơn; đơn rút…
Thông tin về khiếu nại: Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; tóm tắt nội dung khiếu nại và tình hình giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; quyết định giải quyết khiếu nại; kết quả thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Thông tin về tố cáo: Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo; tóm tắt nội dung tố cáo và tình hình giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; kết quả thực hiện kết luận nội dung tố cáo.
Thông tin về kiến nghị, phản ánh: Họ tên, địa chỉ của người kiến nghị, phản ánh; tóm tắt nội dung kiến nghị, phản ánh; kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh.
Báo cáo định kỳ, báo cáo vụ việc, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh cập nhật theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định nhiều nội dung khác như: Nguồn thông tin cập nhật vào Cơ sở dữ liệu; Thời điểm nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu; Cập nhật bổ sung, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu...
Về nguồn thông tin vào CSDL, Nghị định quy định:
Việc tiếp công dân, xử lý đơn; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kiến nghị, phản ánh; vụ việc khiếu nại có thông báo thụ lý khiếu nại, vụ việc tố cáo có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.
Vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, vụ việc đã có kết luận nội dung tố cáo kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.
Vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được cập nhật theo văn bản yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2022.
II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH:
1. Quyết định số 27/2022/QĐ-UBND ngày 08/9/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phân cấp quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đối với người có công cách mạng thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật
Trên đây là một số văn bản pháp luật mới, Hội đồng PBGDPL huyện gửi các Đồng chí cán bộ, đảng viên tiếp cận để phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyền các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách.